Làm việc từ xa đối với nhiều người trong thời kỳ đại dịch đã loại bỏ các rào cản địa lý và mang lại sự linh hoạt hơn trong cách thức và địa điểm làm việc, ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát.
Điều này mở ra mô hình mới được gọi là “du mục kỹ thuật số”- xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa.
"Du mục kỹ thuật số" - Digital Nomad - là cách gọi những người duy trì môi trường làm việc không cố định mà linh động theo đời sống cá nhân của họ, miễn là duy trì kết nối kỹ thuật số.
Họ sử dụng công nghệ và các công cụ liên lạc để hoàn thành công việc từ xa nhằm mục đích duy trì đời sống tự do cá nhân, có thể di chuyển liên tục trong nước hoặc nước ngoài.
Đáng chú ý, ngày càng có nhiều quốc gia cung cấp một loại thị thực (visa) đặc biệt cho dân "du mục kỹ thuật số", cho phép những người này lưu trú trong thời gian tối thiểu từ 6 tháng đến một năm, đi kèm tùy chọn gia hạn.
Theo quy định, người làm du mục kỹ thuật số không được làm thuê cho các công ty bản địa, chứng minh được mức thu nhập, có thể đi kèm gia đình (yêu cầu mức thu nhập cao hơn), và đa phần sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi (hoặc miễn thuế tùy quốc gia).
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Lonely Planet với hơn 1.400 người từ 67 quốc tịch khác nhau tham gia trả lời, hơn một nửa (54%) cho biết bây giờ họ coi mình là “lao động du mục”. Đó là thế hệ lao động mới xuất hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, những người đã vừa đi du lịch và làm việc trong khoảng một năm trở lại đây, không bị ràng buộc ở một địa điểm cụ thể.
Nghe có vẻ lãng mạn khi vừa đi làm vừa trải nghiệm du lịch, nhưng thực tế là việc kết hợp công việc và du lịch không dành cho tất cả mọi người. Rõ ràng so với công việc chính thức tại công sở, người lao động sẽ bị cắt giảm một số quyền lợi: đào tạo, các phúc lợi về đời sống, các phúc lợi về thuế, bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ... bởi phần lớn các công ty chỉ ký hợp đồng cộng tác viên hoặc thời vụ với Digital Nomad. Phần lớn người lao động có thể tìm thấy mô hình du mục kỹ thuật số ở bất kỳ ngành nghề nào dựa trên kỹ thuật số, phổ biến nhất là Công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật, tư vấn, kinh doanh thông minh, kiến trúc và thiết kế nội thất và tiếp thị kỹ thuật số.
Mặc dù những người du mục kỹ thuật số có truyền thống làm nghề tự do, nhưng hơn một nửa số người lao động Digital Nomad (61%) hiện làm việc toàn thời gian và phần lớn (84%) tin rằng công việc của họ hỗ trợ khả năng đi lại của họ. Những người có thể tiếp cận với lối sống này thường kiếm được một mức lương khá ổn với hơn 50% số người được hỏi ở Mỹ kiếm được 2.000 USD/tháng.
Khoảng 70% những người tự coi mình là lao động du mục ở độ tuổi từ 24-44 và 35% thuộc độ tuổi từ 45-54. Lực lượng lao động du mục kỹ thuật số gần như có sự phân chia đồng đều giữa các giới tính, với 56% nam và 44% nữ. Gần một nửa (45%) đã kết hôn và, không giống như những người du mục kỹ thuật số điển hình có xu hướng “lên đường” một mình, 70% là cha mẹ đưa gia đình đi theo khi họ chọn mô hình làm việc này.
Indonesia mới đây đã công bố loại thị thực cho dân "du mục kỹ thuật số" với thời hạn tới 5 năm, cao nhất trong số các quốc gia đã ban hành loại thị thực này, miễn thuế thu nhập và không yêu cầu chứng minh thu nhập hàng tháng (chỉ cần hợp đồng với công ty nước ngoài). Tờ The Jakarta Post viết: "Với mức sống thấp ở Indonesia, chúng tôi hy vọng visa cho dân du mục sẽ thu hút được những chuyên gia và quản lý cấp cao của những công ty khởi nghiệp từ Singapore, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Australia".
Tương tự, Bồ Đào Nha hiện cung cấp thị thực cư trú thời hạn hai năm cho những người lao động có thể chứng minh rằng họ vẫn làm việc từ xa trong thời gian lưu trú.
Các quốc gia khác cũng đang cung cấp hình thức thị thực Du mục kỹ thuật số để thu hút lao động từ xa quốc tế bao gồm Australia, Cộng hòa Czech, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Estonia, Đức, Thái Lan, Italy, Tây Ban Nha, Brazil.
Các chương trình thị thực thường có lệ phí khoảng 1.000 USD, đi kèm yêu cầu chứng minh thu nhập, việc làm từ xa, bảo hiểm du lịch…
Bất chấp những thách thức từ mô hình du mục kỹ thuật số, lời kêu gọi quay trở lại văn phòng làm việc của các doanh nghiệp hoặc mô hình lai (kết hợp giữa làm việc từ xa và trực tiêp tại văn phòng), xu hướng lao động du mục vẫn có khả năng phát triển rộng rãi hơn nữa.
Gần như tất cả những người được hỏi (98%) cho biết họ muốn tiếp tục vừa làm việc vừa đi du lịch trong tương lai gần.
Hiện ngày càng có nhiều chương trình, đặc biệt là ở Mỹ, để phục vụ cho mô hình làm việc này, giúp họ dễ dàng tìm địa điểm cư trú tại mỗi địa phương dừng chân, không gian làm việc chung và tạo lập các mạng lưới, thông tin chi tiết về cộng đồng Digital Nomad.
Nhìn chung, những người lao động "du mục kỹ thuật số" có đóng góp thời gian và tiền bạc của họ vào sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Chính sách thị thực này được xem như một giải pháp khắc phục tạm thời cho những vướng mắc về chính sách nhập cảnh và sự chậm trễ của thị thực trên khắp thế giới.
Không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển về du lịch, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ địa phương, những người lao động "du mục kỹ thuật số" còn góp phần tạo ra các trung tâm giao thoa công nghệ trên khắp thế giới.