Tạp chí uy tín của Mỹ US News and World Report đã công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2024. Trong đó, Đại học Princeton giữ vị trí số 1, theo sau là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), không thay đổi so với năm trước. Đại học Harvard và Đại học Stanford cùng giữ nguyên vị trí thứ 3, trong khi Đại học Yale - đồng hạng ba năm ngoái, tụt xuống hạng năm.
Đại học Princeton được xem là kỳ phùng địch thủ của Đại học Harvard. Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein từng trình bày một số bài giảng ở Đại học Princeton. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nghiên cứu về tôn giáo tại đại học Princeton vào năm 1961, ông cũng nhiều lần diễn thuyết và giảng dạy về Phật giáo tại đây.
Hãy cùng khám phá xem tại sao Đại học Princeton lại được xếp hạng là trường ĐH tốt nhất nước Mỹ năm 2024 nhé!
Đôi nét về trường ĐH tốt nhất nước Mỹ năm 2024
Đại học Princeton là một trường tư thục thành lập vào năm 1746 và tiền thân của nó là Đại học New Jersey (College of New Jersey). Đây là một trong 4 trường đại học lâu đời nhất trong hệ thống đại học ở Mỹ và là một trong 8 trường đại học của Ivy League. Princeton cũng là một trong chín trường đại học thời thuộc địa được thành lập trước cả cuộc Cách mạng Mỹ.
Trường cung cấp nhiều chương trình nghiên cứu sau đại học và xếp hạng tốt nhất trong nhiều ngành bao gồm: Toán học, Vật lý, Thiên văn và vật lý plasma, Kinh tế, Lịch sử và Triết học.
Đại học Princeton hiện có khoảng 8.200 sinh viên đang theo học. Trong đó, số sinh viên đang học hệ cử nhân là 5.200 và khoảng 3.000 sinh viên hệ thạc sĩ. Khoảng 1.600 sinh viên quốc tế chiếm tỷ lệ 35% trên tổng số lượng sinh viên của trường. Bên cạnh đó, trường cũng có đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên nghiệp, đông đảo, trên 1.100 giảng viên (76% giảng viên là giáo sư dày dặn kinh nghiệm). Học phí của trường là 57.410 USD/năm (gần 1,4 tỷ đồng).
Đối với sinh viên học chương trình đại học, các bạn sẽ nộp đơn trực tiếp cho trường Đại học Princeton, không phải nộp đơn cho các ban, các chương trình hay khoa riêng lẻ nào. Sau khi được nhận, sinh viên có thể chọn học một trong hai chương trình Cử nhân Nghệ thuật (AB) hoặc Cử nhân Khoa học kỹ thuật (BSE). Năm 2020 tỷ lệ trúng tuyển vào trường chỉ đạt 5-6%. Tức là cứ 100 thí sinh đăng ký xét tuyển thì chỉ có 6 người đậu đại học.
Còn đối với sinh viên sau đại học, các chương trình cao học được tổ chức bởi 42 ban và chương trình khác nhau, trực tiếp xét tuyển sinh viên, cũng như một số chương trình cấp bằng liên ngành và liên kết mà sinh viên có thể lựa chọn sau khi đã đăng ký. Các chương trình học được chia theo 4 ngành – Nhân văn, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Kỹ thuật.
Cơ sở vật chất hiện đại
Ngoài danh tiếng về đào tạo, khuôn viên của Princeton cũng là nơi khiến nhiều người mơ ước được trải nghiệm. Ngôi trường trải rộng trên 500 mẫu Anh và có khoảng 180 tòa nhà, cảnh quan cây xanh kết hợp hài hòa kiến trúc cổ kính, lộng lẫy. Tạp chí Travel và Leisure của New York từng bình chọn Đại học Princeton là một trong những ngôi trường đẹp nhất nước Mỹ.
Khuôn viên của Đại học Princeton rộng đến mức các phương tiên giao thông có thể đi lại qua các khu vực trong trường. Cũng nhờ có khuôn viên rộng lớn và kiến trúc cổ đặc biệt, du khách đến Princeton cũng xem Đại học Princeton như một điểm tham quan không thể bỏ lỡ.
Trường có thư viện sở hữu hơn 11 triệu đầu sách. Thư viện chính của trường là thư viện Firestone (chứa khoảng 4 triệu cuốn sách) là một trong những thư viện đại học lớn nhất trên thế giới và trong các thư viện lớn nhất có "các kệ sách mở" đã từng tồn tại. Trong bộ sưu tập của nó có cả những bản sách vô giá như tập bài thuyết pháp Blickling.
Bên cạnh đó, trường còn có nhiều thư viện chuyên ngành, bao gồm kiến trúc, lịch sử nghệ thuật, nghiên cứu Đông Á, kỹ thuật, địa lý, ngoại giao và chính sách công và nghiên cứu Cận Đông... Ngoài ra, hệ thống kí túc xá và khu chăm sóc y tế có đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho đời sống của sinh viên.
Những nhân vật nổi tiếng xuất thân từ đây
Princeton là cái nôi đào tạo ra nhiều "tinh hoa", nhiều nguyên thủ quốc gia, doanh nhân, tỷ phú xuất thân từ trường đại học này. Những cựu sinh viên xuất sắc, ưu tú của trường có thể kể đến như:
Tổng thống James Madison (Tổng thống thứ tư của Mỹ),
Tổng thống Woodrow Wilson (Tổng thống thứ 28 của Mỹ);
Đại tướng Mark A. Milley (Chủ tịch thứ 20 của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ)
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama
Tỷ phú Jeff Bezos – Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành Amazon
Tỷ phú Eric Schmidt – Cựu Chủ tịch Google
Jerome Powell - Chủ tịch thứ 16 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED);
Phi hành gia Apollo Pete Conrad
Steve Forbes - Chủ tịch kiêm CEO Forbes, Inc; Tổng biên tập tạp chí Forbes
Diễn viên Jimmy Stewart, David Duchovny, Wentworth Miller (vai chính Michael Scofield trong loạt phim Vượt ngục)…
Đại học Princeton cũng nằm trong danh sách 10 đại học có nhiều người đoạt giải Nobel nhất thế giới (bao gồm cả sinh viên đã tốt nghiệp và giảng viên) tính trong giai đoạn 1901-2021. Ngôi trường danh giá này đã có 75 người đạt giải Nobel, 16 người đoạt Huy chương Fields - giải thưởng Toán học cao quý nhất thế giới và 16 người đoạt Giải thưởng Turing.
Giáo sư John Forbes Nash (1928-2015) từng là một cựu sinh viên và giảng viên của trường Đại học Princeton, ông đạt giải Nobel Kinh tế năm 1994.
Năm 2021, Giáo sư Vật lý Syukuro Manabe, Giáo sư Hóa học David MacMillan, Giáo sư Kinh tế học Joshua Angrist, Giáo sư Kinh tế học David Card và Maria Ressa được trao giải Nobel. Năm 2021 cũng là năm đại thắng của Đại học Princeton tại Lễ trao giải Nobel khi có đến 5 người từng là cựu sinh viên hoặc giảng viên đã thắng giải Nobel.
Bảng xếp hạng cao đẳng và đại học Mỹ của US News ra đời từ năm 1983, là nguồn tham khảo phổ biến của nhiều học sinh, bên cạnh hai bảng xếp hạng QS và THE.
Năm nay, US News xếp hạng tổng cộng 1.500 trường, theo 19 tiêu chí. Trọng số của mỗi tiêu chí khác nhau, tùy thuộc vào đại học đó có sử dụng điểm SAT/ACT trong tuyển sinh hay không. Trong số này, điểm tự đánh giá và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp vẫn chiếm trọng số cao nhất (dao động 16-21% mỗi tiêu chí).
7 tiêu chí mới được đưa vào để đánh giá, gồm tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên là thế hệ đầu tiên trong gia đình học đại học, tỷ lệ cử nhân có thu nhập cao hơn học sinh tốt nghiệp trung học, số trích dẫn trên mỗi ấn phẩm hay số công bố quốc tế của giảng viên...
5 tiêu chí cũ, trong đó có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp phải vay vốn, thứ hạng thời trung học hay quy mô lớp học, đã bị loại khỏi cách xếp hạng năm nay.